Các chuyên gia nhận định gì về phiên siêu thanh khoản T6 - 20.8?

Thị trường đột ngột giảm sốc trong ngày thứ Sáu nhưng đa số chuyên gia lại không đánh giá quá tiêu cực. Dòng tiền cực lớn đã đẩy thanh khoản lên ngưỡng kỷ lục mới đang đem lại hi vọng không nhỏ.

Lý giải về biến động thị trường, các chuyên gia không cho rằng do những thông tin bất ngờ vì thị trường đã biết trước. Yếu tố dịch bệnh, việc tăng cường giãn cách xã hội... thậm chí cả biến động phiên đáo hạn phái sinh đều không có gì bất ngờ. Tuy vậy có ý kiến cho rằng thực tế thị trường “lẽ ra” phải điều chỉnh sớm hơn nhưng do một số cổ phiếu lớn neo giữ và phiên đáo hạn phái sinh nên biến động phiên cuối tuần diễn ra đột ngột.

Mặc dù mức giảm lớn trong phiên cuối tuần nhanh chóng kéo nhiều cổ phiếu vào vùng thua lỗ ngắn hạn, các chuyên gia lại không tỏ ra quá bi quan. Thanh khoản lớn và bắt đáy lúc giảm giá sâu được xem là tín hiệu cho thấy dòng tiền vẫn đang chờ chực. Quan điểm thận trọng hơn cho rằng cần chờ xem liệu dòng tiền có thực sự mạnh hay không sau phiên giao dịch quá lớn như vậy.

Các chuyên gia vẫn chỉ duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình thấp và thiên về đầu tư dài hạn.

Nguyễn Hoàng – VnEconomy

Phiên bán tháo cuối tuần khá sốc. Không ít nhà đầu tư đổ lỗi cho phiên đáo hạn phái sinh kéo giá “quá lố”. Anh chị có nghĩ như vậy không? Vì sao thị trường đột ngột đảo chiều dữ dội như vậy?

Xu thế dòng tiền: Hi vọng gì từ mức thanh khoản kỷ lục?

"Tín hiệu điều chỉnh mạnh phần nào cũng xuất hiện từ những phiên đầu tuần trước, khi lực bán ra rất đáng kể, do dù biên độ giảm, khối lượng giao dịch lớn là nằm ngoài kịch bản điều chỉnh thông thường. Tôi cho rằng có lẽ nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng như vài nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép, dầu khí hồi phục tuần qua phần nào khiến các nhà đầu tư mất cảnh giác". (Ông Lê Đức Khánh)

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi phiên đáo hạn phái sinh thị trường kéo giá “quá lố” chủ yếu từ cổ phiếu VIC và cổ phiếu này đầu phiên sau đã điều chỉnh lại ngay, thị trường cũng đã tạo gap giảm đầu phiên trả lại điểm số phiên đáo hạn phái sinh rồi.

Việc thị trường có phiên bán mạnh cũng như giảm mạnh theo tôi có 2 lý do chủ yếu: Thứ nhất là từ tin đồn “lockdown” TPHCM và thực chất thì thành phố ra chỉ thị “Ai ở yên đó” và tình hình dịch ở các tỉnh phía Nam trở nên xấu hơn. Thứ hai, thị trường nhịp tăng từ đáy là nhịp tăng khá, gần 150 điểm và lên vùng kháng cự mạnh nhiều cổ phiếu tăng mạnh nên tâm lý nhà đầu tư giai đoạn này khá yếu.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Theo tôi phiên đáo hạn phái sinh không phải là nguyên nhân dẫn đến phiên giảm khá sốc cuối tuần vừa qua. Khi sự việc “đã rồi” thì có nhiều lý do có thể gán ghép như: 1) Sự suy yếu của nhóm cổ phiếu trụ (ngân hàng, Vingroup,…), 2) Khối ngoại bán ròng, 3) Thị trường chứng khoán khu vực Châu Á đi xuống do mối lo về sự lây lan của biến chủng Delta, 4) Kết quả kinh doanh quý 3 ảm đạm phía trước, và 5) tình hình dịch bệnh có thể khiến thời gian giãn cách kéo dài hơn,.v.v…

Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi cho rằng diễn biến tăng mạnh vào cuối phiên ngày đáo hạn phái sinh có thể là một phần lí do. Ngoài ra, là thông tin liên quan đến các biện pháp thắt chặt cách ly xã hội ở TP.HCM và việc kéo dài thời gian áp dụng chỉ thị 16 ở Hà Nội. Việc thị trường đã trải qua nhịp tăng mạnh kéo dài, kết hợp với thông tin ảm đạm về dự báo kết quả kinh doanh theo tháng ở 1 số doanh nghiệp lớn do tác động của dịch Covid-19 đều là những yếu tố tạo sức ép khiến thị trường lao dốc.

Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Điều gì đến cũng đã đến khi diễn biến bán tháo trong hoảng loạn đã diễn ra. Tâm lý nhà đầu tư vốn dĩ khá mong manh với những thông tin bất lợi, lo sợ về trạng thái thua lỗ khi đang cầm, nắm giữ cổ phiếu và chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng khiến thị trường chao đảo với lực bán cổ phiếu gia tăng.

Tín hiệu điều chỉnh mạnh phần nào cũng xuất hiện từ những phiên đầu tuần trước khi lực bán ra trên toàn thị trường là rất đáng kể, do dù biên độ giảm, khối lượng giao dịch lớn là nằm ngoài kịch bản điều chỉnh thông thường. Tôi cho rằng có lẽ nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng như vài nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép, dầu khí hồi phục tuần vừa qua phần nào khiến các nhà đầu tư mất cảnh giác. Thị trường cũng đã cố gắng níu đà giảm kéo “nhờ phiên đáo hạn phái sinh” hôm thứ Năm với lực cầu mua mạnh bất chợt ở vài nhóm cổ phiếu VN30 như VIC, VHM….

Thị trường giảm mạnh cũng có thể giải thích dưới nhiều góc độ: thông tin diễn biến Covid-19 phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận; điều chỉnh mạnh bởi vẫn đang trong pha giai đoạn điều chỉnh lớn; nhiều cổ phiếu lớn bị bán mạnh do áp lực về margin cao giai đoạn vừa qua và đặc biệt, tâm lý nhà đầu tư luôn là nguyên nhân quan trọng khiến thị trường chao đảo...

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank

Việc thị trường chứng khoán quốc tế giảm mạnh do lo ngại về sự tiết giảm các chính sách kích thích kinh tế, cùng những tin đồn về việc tiến hành các biện pháp mạnh hơn để kiểm soát dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư, đẩy áp lực bán tăng vọt ngay từ đầu phiên. Diễn biến này xuất hiện đồng thời với nhu cầu “correction” giá các cổ phiếu sau pha tăng quá mạnh trong phiên đáo hạn phái sinh đã khiến thị trường giảm sốc trong phiên 20/08.

Nguyễn Hoàng – VnEconomy

Thanh khoản kỷ lục lại xuất hiện trong phiên cuối tuần khi thị trường giảm rất sâu. Điều đó có nghĩa là dòng tiền tiếp tục vào bắt đáy. Liệu có thể hi vọng thị trường quay lại trạng thái tích lũy như 2 tuần qua để có cơ hội kiểm định đỉnh lịch sử trong tháng 8?

Xu thế dòng tiền: Hi vọng gì từ mức thanh khoản kỷ lục?

"Theo tôi kịch bản thị trường có thể quay lại trạng thái tích lũy như 2 tuần qua hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào lượng tiền khổng lồ ở phiên bán cuối tuần vừa qua sẽ quay lại bắt đáy nhiều hay ít". (Ông Ngô Quốc Hưng)

Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi nghĩ thị trường có thể vẫn điều chỉnh tiếp giai đoạn tới cho dù rất có thể có phiên hồi phục kỹ thuật trong tuần. Chúng ta chưa cần bàn đến việc thị trường kiểm định đỉnh trong tháng 8 thế nào mà hãy bàn nhiều hơn về kịch bản thị trường sẽ điều chỉnh đến những mốc nào tiếp theo.

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank

Rõ ràng lực bán trong phiên 20/8 là rất lớn, nhưng việc xuất hiện dòng tiền tham gia bắt đáy giúp nhiều cổ phiếu hồi phục vào cuối phiên là tín hiệu tích cực. Ngoài ra, mức thanh khoản kỷ lục cho thấy dòng tiền vẫn luôn trực chờ giải ngân ở vùng giá hấp dẫn. Theo tôi thị trường do đó hoàn toàn có cơ hội ổn định trước khi test lại đỉnh cũ.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Sau 3 tuần tăng liên tiếp, thị trường giảm hơn 2% trong tuần qua và về mức 50% của đoạn giảm trong tháng 7 cũng là phản ứng thông thường, điều đáng chú ý là thanh khoản trong tuần vừa qua đã lập kỷ lục mới kể từ trước tới nay, dòng tiền như được cởi trói và cung cầu thực chất hơn chứ không còn bị giới hạn như hồi đầu tháng 6.

Theo tôi kịch bản thị trường có thể quay lại trạng thái tích lũy như 2 tuần qua hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào lượng tiền khổng lồ ở phiên bán cuối tuần vừa qua sẽ quay lại bắt đáy nhiều hay ít. Nhiều cổ phiếu giảm sâu có thể kích thích lượng tiền quay lại, cơ hội vẫn còn khi thị trường giảm sâu thường sẽ có các nhịp hồi kỹ thuật. Số liệu thống kê cũng cho thấy khối tự doanh đã giải ngân mạnh trong phiên giảm vừa qua trong khi các nhà đầu tư cá nhân mua bán tương đối cân bằng, đó là các tín hiệu tương đối tích cực.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi phiên cuối tuần là phiên bắt đáy khá mạnh khi thị trường về vùng hỗ trợ quanh 1.320 điểm. Có thể thấy tự doanh các công ty chứng khoán tham gia giải ngân rất mạnh lên tới hơn 700 tỷ.

Tuần sau là tuần khá quan trọng để quyết định xu hướng thị trường. Nếu thứ 2 tiền vào tốt thị trường kéo xanh và các phiên còn lại tiền tiếp tục vào tốt và ít nhất thị trường duy trì ở trạng thái sideway thì cơ hội lên đỉnh cũ là có khả năng. Ngược lại là kịch bản xấu diễn ra khi lực bán tháo tiếp tục. Còn với tôi thì tôi thiên về kịch bản tốt xảy ra hơn.

Xu thế dòng tiền: Hi vọng gì từ mức thanh khoản kỷ lục?

"Mức thanh khoản kỷ lục cho thấy dòng tiền vẫn luôn trực chờ giải ngân ở vùng giá hấp dẫn. Theo tôi thị trường do đó hoàn toàn có cơ hội ổn định trước khi test lại đỉnh cũ". (Ông Lâm Gia Khang)

Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Nhìn chung, nếu xét về yếu tố kỹ thuật dòng tiền thì triển vọng thị trường ngắn hạn không quá đáng lo ngại khi lực cầu bắt đáy ở vùng giá thấp là tương đối dồi dào. Dòng tiền vẫn vận động linh hoạt tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các phiên điều chỉnh.

Dù vậy, tôi không cho rằng thị trường sẽ có cơ hội sớm vượt đỉnh lịch sử khi mà các yếu tố nền tảng đang suy yếu. Triển vọng kết quả kinh doanh quý 3 là tương đối tiêu cực trong khi tình hình Covid-19 ở TP HCM chưa có chuyển biến khả quan.

Theo tôi một nhịp đi ngang, tích luỹ với các phiên tăng/giảm đan xen sẽ phù hợp hơn với điều kiện thị trường hiện tại.

Nguyễn Hoàng – VnEconomy

Tuần trước anh chị cho rằng thị trường đã không phản ứng nhiều với diễn biến dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, nhưng những thay đổi mới dường như đang xấu đi, VN-Index có nguy cơ thiết lập đỉnh sau thấp hơn. Điều này có khiến anh chị thay đổi quan điểm trong ngắn hạn không?

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Tôi cho rằng thị trường đang vận động hoàn toàn bình thường nếu không muốn nói là điểm sáng hiếm hoi ở khu vực Châu Á hiện nay. Dù để mất hơn 2% trong tuần vừa qua nhưng chỉ số VN-index vẫn đang có mức tăng trưởng hơn 20% so với đầu năm và nằm trong khu vực thị trường giá lên (Bull market), trong khi thị trường Mỹ và Châu Âu khoảng 18%, thậm chí thị trường Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản còn giảm 5,6%. Mặc dù khu vực Đông Nam Á đang là điểm nóng của đợt dịch này, nhưng tuần vừa qua chỉ số chứng khoán khu vực này vẫn tăng nhẹ nhờ các thị trường như Thái Lan, Malaysia, Philippines,… là những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ Covid-19 và vẫn chật vật trong kiểm soát đại dịch dù đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế và tình trạng khẩn cấp toàn quốc.

Do vậy, nhìn về trung và dài hạn, tôi cho rằng cơ hội để thị trường kiểm định đỉnh lịch sử vẫn còn. Trong ngắn hạn, các nhịp điều chỉnh là hoàn toàn bình thường trong một xu hướng tăng bên cạnh ẩn số là tình hình kiểm soát dịch bệnh, nhìn chung các biến động ngắn hạn chưa làm thay đổi mục tiêu dài hạn.

Xu thế dòng tiền: Hi vọng gì từ mức thanh khoản kỷ lục?

"Tuần sau là tuần khá quan trọng để quyết định xu hướng thị trường. Nếu thứ 2 tiền vào tốt thị trường kéo xanh và các phiên còn lại tiền tiếp tục vào tốt và ít nhất thị trường duy trì ở trạng thái sideway thì cơ hội lên đỉnh cũ là có khả năng". (Ông Nguyễn Việt Quang)

Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi không có quan điểm quá tiêu cực với xu hướng thị trường trong ngắn hạn, tuy nhiên một vị thế danh mục thận trọng là điều nên ưu tiên trong bối cảnh thị trường nhiều yếu tố bất ổn như hiện tại.

Dù thông tin về số ca nhiễm mới tác động không quá lớn đến thị trường, các thông tin về việc thắt chặt hay kéo dài lệnh cách ly xã hôi, triển vọng tiêu cực về kết quả kinh doanh quý 3 vẫn sẽ là những yếu tố gây áp lực lên thị trường.

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank

Sau phiên cuối tuần qua, nguồn cung nhiều khả năng sẽ suy yếu khi phần lớn nhà đầu tư đã tiến hành hạ tỷ trọng cổ phiếu, trong khi bên mua cũng không quá vội vàng giải ngân. Tôi thiên về khả năng thị trường tích luỹ trong vùng 1.315 – 1.350 điểm.

Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Theo thông lệ thì thị trường sẽ cần điều chỉnh tạo đáy 1 ở vùng 1.225 – 1.230 điểm rồi sau đoạn hồi sẽ tiếp tục điều chỉnh mạnh để tạo đáy 2 tiếp theo, nhưng không, thị trường lại hồi phục ở mức điểm cao hơn khi quay lại khu vực 1.375 – 1.380 điểm do tác động từ đà hồi phục nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, thép…

Theo tôi bây giờ thị trường cần điều chỉnh mạnh hơn để bù đắp việc “hồi sức” quá đà đoạn vừa qua.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Việc thị trường phản ứng với thông tin mạnh tay dập dịch ở TPHCM theo tôi là phản ứng nhất thời và ngắn hạn. Việc dịch bệnh kéo dài khiến dòng tiền nhàn rỗi không có kênh đầu tư hiệu quả và chỉ có một kênh là đầu tư chứng khoán. Tôi nghĩ dòng tiền này sẽ lựa chọn kênh chứng khoán để đầu tư và khi có một dòng tiền mới tham gia mạnh thì việc thị trường quay lại đỉnh cũ cũng như vượt đỉnh là điều hoàn toàn có khả năng. Việc thị trường xấu hay tốt thì tuần sau là một tuần khá quan trọng và bây giờ nhận định thì còn quá sớm.

Nguyễn Hoàng – VnEconomy

Biên lợi nhuận cổ phiếu tuần qua nhìn chung không tốt, trong khi đó anh chị lại đã tăng tỷ trọng. Anh chị xử lý vị thế như thế nào?

Xu thế dòng tiền: Hi vọng gì từ mức thanh khoản kỷ lục?

"Tôi không có quan điểm quá tiêu cực với xu hướng thị trường trong ngắn hạn, tuy nhiên một vị thế danh mục thận trọng là điều nên ưu tiên trong bối cảnh thị trường nhiều yếu tố bất ổn như hiện tại". (Ông Trần Đức Anh)

Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình và không tăng tỷ trọng trong 2 tuần gần đây.

Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Phẩm chất trong việc đầu tư đó chính là chọn lựa được cổ phiếu hợp lý ở mức giá hấp dẫn sau đó mới đến việc tỷ trọng cao hay thấp với các lựa chọn giao dịch ngắn hay dài.

Phương pháp đầu tư của tôi vẫn là chọn vài cổ phiếu thực sự triển vọng nhất để nắm giữ mà không cần quan tâm đến việc thị trường diễn biến điều chỉnh mạnh như thế nào, trong khi đối với các cổ phiếu giao dịch ngắn thì việc ra vào, và bán hạ tỷ trọng kỷ luật, quyết đoán là tuyệt đối quan trọng. Tôi vẫn nghĩ hành động bán ra một số cổ phiếu ở các phiên giao dịch cuối tuần vẫn là 1 quyết định hợp lý.

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank

Danh mục của tôi chủ yếu gồm các cổ phiếu cho tầm nhìn trung dài hạn. Đối với phần cổ phiếu lướt sóng trong tuần qua tôi vẫn giữ nguyên vị thế và quan sát diễn biến của thị trường.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Việc gia tăng tỷ trọng bằng dòng tiền margin tôi thường đánh ngắn, nhất là giai đoạn hiện tại. Nên khoản gia tăng cổ phiếu bằng margin khi có một khoản lãi nhỏ tôi sẽ giảm bớt tỷ trọng và tuần này cũng vậy nhất là khi thị trường giao dịch ở vùng rủi ro cao. Nếu tuần sau thị trường diễn biến theo kịch bản tốt tôi sẽ quay lại sử dụng margin và ngược lại.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Tôi nghĩ rằng nhìn chỉ số chung để đánh giá danh mục có thể bị nhiễu do thị trường có sự phân hóa. Tuần vừa qua một số nhóm cổ phiếu vẫn có mức tăng tốt như: Chứng khoán, cao su tự nhiên, hóa chất,…do vậy đây cũng là cơ hội để cơ cấu danh mục. Tuần qua, tôi cũng thực hiện cơ cấu lại danh mục với tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình.

Chart PatternsTrend AnalysisWave Analysis

คำจำกัดสิทธิ์ความรับผิดชอบ